Giới thiệu về Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 66/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Trường là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ “Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức giao thông vận tải tại thành phố Hồ Chí Minh” được thành lập năm 1988, “Trung tâm đại học Hàng hải phía Nam” (năm 1989)  và sau đó là “Phân hiệu Đại học Hàng hải” trực thuộc trường Đại học Hàng hải (năm 1991). Đến ngày 26/04/2001 Trường đã mang tên chính thức là Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM theo Quyết định số 66/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

Với hơn 30 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực lớn với chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa của đất nước. Hiện nay, Trường đang đào tạo hơn 15.000 sinh viên và học viên cho 17 ngành với 34 chuyên ngành ở trình độ đào tạo đại học chính quy, 10 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ và 5 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ về giao thông vận tải như: hàng hải, đường bộ, đường sắt, giao thông đô thị, cơ khí, điện-tự động giao thông, khai thác vận tải, quản trị dự án, quản trị logistics,…

Cơ cấu tổ chức của trường gồm có Hội đồng trường; Hiệu trưởng và tập thể lãnh đạo; 12 đơn vị nghiên cứu và đào tạo; 11 đơn vị chức năng; 11 đơn vị dịch vụ và 4 tổ chức chính trị- xã hội. Hiện nay, tổng số giảng viên của Trường là 587, trong đó có: 17 Phó Giáo sư, 82 Tiến sĩ, 369 Thạc sĩ, 86 Cử nhân và 33 người thuộc trình độ khác (số liệu tháng 06/2021).

TUYÊN BỐ SỨ MỆNH

Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trình độ đại học và sau đại học; Tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giao thông vận tải và các lĩnh vực liên quan phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

TẦM NHÌN

Đến năm 2030, Trường phấn đấu trở thành trường đại học lớn, đa ngành của Việt Nam, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hàng đầu về giao thông vận tải và các lĩnh vực liên quan, có uy tín, hoà nhập với các trường đại học trong khu vực và vững vàng tiếp cận trình độ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

“Kiến thức – Kỹ năng – Sáng tạo – Hội nhập”

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

 “Đoàn kết – Nhân văn – Chất lượng – Sáng tạo – Hội nhập”

MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG

Trường phấn đấu trở thành trường đại học đào tạo nhân lực trình độ cao theo hướng ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải của khu vực phía Nam và cả nước. Hoàn thiện cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ Giao thông vận tải và quốc gia, trong đó, có một số ngành ngang tầm khu vực và quốc tế. Tăng số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ có hàm lượng khoa học cao, đảm bảo tính ứng dụng và triển khai thực tế.

  1. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Quy mô đào tạo hiện nay của Trường là trên 15.000 sinh viên, học viên ở nhiều trình độ và nhiều hình thức đào tạo. Các hình thức đào tạo hiện đang được triển khai ở Trường bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng 2. Các trình độ đào tạo của Trường gồm: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Bên cạnh đó, Trường cũng triển khai nhiều chương trình đào tạo như: Chương trình đào tạo Chất lượng cao, Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; và các khóa cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định.

  1. HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được Nhà trường quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhà trường thường tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác liên doanh liên kết với các tổ chứctrong và ngoài nước ở cácdự án khoa học nhằm ứng dụng công nghệ mới.Nhiều hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Trường, tạo cơ hội cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận, cọ xát với công nghệ hiện đại cũng như các thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, từ đó truyền đam mê nghiên cứu và đặt nền móng cho những công trình nghiên cứu khoa học sau này tại Trường. Nhờ sự nghiêm túc và nỗ lực đó, phong trào nghiên cứu khoa học của Trường ngày càng khởi sắc, các đề tài nghiên cứu khoa học tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế. Phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ. Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sinh viên giao thông vận tải” đã trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm và thu hút nhiều đề tài, ý tưởng sáng tạo của sinh viên. Được truyền lửa đam mê nghiên cứu,các thế hệ sinh viên của Trường đã nỗ lực và đạt nhiều giải thưởng danh giánhư: giải thưởng tay nghề ASEAN, các giải Eureka của thành phố Hồ Chí Minh, giải Vifotec cấp Quốc gia, các giải thưởng trong kỳ thi Olympic Quốc gia.

  1. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Luôn chủ động đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với các đối tác nước ngoài, Trường coi hoạt động hợp tác quốc tế là chìa khóa thu hút nguồn vốn cho hoạt động đào tạo, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Ngoài những dự án đã và đang được triển khai thành công, Trường đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều trường, Viện quốc tế như các trường đại học Vương quốc Anh, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Đại học Hàng hải Hà Lan, Đại học Hàng hải Úc; Đại học cầu đường Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác…

Hiện nay, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM là thành viên của các tổ chức sau:

– Hiệp hội các Trường Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (AMETIAP), nay là Hiệp hội Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải toàn cầu (GlobalMET);

– Hiệp hội quốc tế các Trường Đại học Hàng hải (IAMU);

– Hiệp hội quốc tế các trường Đại học (IAU);

– Diễn đàn các trường Đại học Hàng hải và Nghề cá Châu Á (AMFUF);

– Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Châu Á (AUPF).

  1. HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cũng sớm xác định một trong những công tác trọng tâm của giáo dục- đào tạo là công tác Đảm bảo chất lượng và Kiểm định chất lượng. Ngày 27/3/2017, Trường được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá và trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục.Bên cạnh đó, từ tháng 3/2012, Trường đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008. Từ năm 2018, Nhà trường đã nâng cấp lên phiên bản ISO 9001:2015 trên phạm vi toàn trường.

Từ tháng 10/2019, Nhà trường chính thức trở thành thành viên liên kết của mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á  (ASEAN University Network – Quality Assurance viết tắt là AUN-QA).

Tên trường: Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM

Tên tiếng Anh: Ho Chi Minh City University of Transport

Tên viết tắt tiếng Anh: UT-HCMC

Địa chỉ Website: http://www.ut.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/TruongDHGiaothongvantaiTPHCM

Mã tuyển sinh: GTS

Email: ut-hcmc@ut.edu.vn

 

Phòng Quản lý chất lượng (tổng hợp)