Việc ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo phiên bản 4.0 của Tổ chức AUN đánh dấu mốc quan trọng giúp các trường đại học cải tiến chương trình đào tạo(CTĐT) nói riêng và chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung. Bài viết dưới đây nhằm tổng hợp một số thông tin tóm tắt quá trình ban hành bộ tiêu chuẩn AUN 4.0, những so sánh cơ bản giữa bộ tiêu chuẩn AUN 3.0 với bộ tiêu chuẩn 4.0, mốc thời gian áp dụng bộ tiêu chuẩn AUN 4.0 giúp các trường đại học có thêm thông tin trong quá trình thực hiện.
Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khối ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có 30 trường đại học đến từ nhiều quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức này. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những iêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường trong khu vực Đông Nam Á.
- Quá trình ban hành bộ tiêu chuẩn
Tháng 03 năm 2019, nhóm hiệu chỉnh do PGS.TS. Tan Kay Chuan, thành viên nhóm chuyên gia của AUN-QA tiến hành đề xuất các hoạt động cải tiến Bộ tiêu chuẩn theo nguyên tắc “liên tục cải tiến”.
Ngày 11 tháng 06 năm 2020, Hội đồng AUN-QA đã phê duyệt và ban hành Bộ tiêu chuẩn AUN-QA 4.0 cấp chương trình đào tạo sau khi đã thẩm định cụ thể.
Tổng biên tập cho dự án tại thời điểm này là PGS.TS. Tan Kay Chuan, Đại học Quốc gia Singapore và Hội đồng hiệu chỉnh bao gồm GS. Ir. Shahrir Abdullah (UKM), GS. Satria Bijaksana (ITP), GS.TS. Kalmowan Lueprasert (KMUTNB), PGS.TS. Ngô Văn Thuyên (HCMUTE), PGS.TS. Arnel Onesimo (DLSU), TS. Wyona Patalinghug (DLSU), PGS. Chavalit Wongse-ek (MU).
Hình 1. Sơ đồ mô tả mốc thành lập và các phiên bản tiêu chuẩn AUN
- Nội dung bộ tiêu chuẩn
Phiên bản 4.0 của Bộ tiêu chuẩn AUN-QA dùng để đánh giá cấp chương trình đào tạo, bao gồm 8 tiêu chuẩn sau:
- Kết quả học tập mong đợi (Expected Learning Outcomes);
- Nội dung và cấu trúc chương trình (Programme Structure and Content);
- Phương pháp giảng dạy và học tập (Teaching and Learning Approach);
- Đánh giá sinh viên (Student Assessment);
- Đội ngũ cán bộ học thuật (Academic Staff);
- Dịch vụ hỗ trợ sinh viên (Student Support Services);
- Cơ sở vật chất và hạ tầng (Facilities and Infrastructure);
- Kết quả đầu ra (Output and Outcomes).
Hình 2. Mô hình ĐBCL cấp CTĐT theo AUN 4.0
- Những điểm mới trong phiên bản 4.0
Theo PGS.TS. Tan Key Chuan, phiên bản 4.0 của bộ tiêu chuẩn chất lượng cấp chương trình đào tạo được cập nhật những nội dung quan trọng như: OBE, đổi mới sáng tạo và cần phải phát triển tinh thần khởi nghiệp của người học. Điểm nhấn quan trọng của bộ tiêu chuẩn 4.0 này chính là việc cần thiết phải có được phản hồi từ các bên liên quan để bắt đầu một chu trình lập kế hoạch cải tiến tiếp theo và tiến hành các hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục.
Phiên bản mới cũng được xây dựng “tinh gọn” hơn so với bộ tiêu chuẩn 3.0. Tổng số tiêu chuẩn giảm từ 11 xuống còn 8 và từ 62 tiêu chí giảm còn 53. Nhìn chung, bộ tiêu chuẩn mới dễ tiếp cận hơn, tập trung nhiều vào việc hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đạt được kết quả đầu ra của chương trình đào tạo.
Hình 3. Sự thay đổi của tiêu chuẩn AUN 4.0 so với AUN 3.0
(Nguồn: Dr. Nguyen Thi My Ngoc and Mr.Johnson Ong Chee Bin)
- Thời gian áp dụng
Theo yêu cầu của Mạng lưới các trường đại học ASEAN, Bộ tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 4.0 sẽ được áp dụng song song với phiên bản 3.0 từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022 trên tinh thần tự nguyện và sẽ được áp dụng chính thức từ tháng 10/2022.
Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp các trường xác định cấp độ đạt được của chương trình đào tạo theo thang đánh giá của khu vực. Mặt khác, nó giúp phát hiện những điểm hạn chế của chương trình, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ngang tầm các chương trình trong cùng lĩnh vực đào tạo giữa các trường trong khu vực ASEAN.
Phòng QLCL tổng hợp
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/aunqa
https://www.youtube.com/channel/UC2CgrG0p5lCAo7yHwDGFlDA