Đổi mới quản trị đại học – hướng đến mô hình tự chủ

(Thời gian cập nhật: 09:43 10/10/2021)

Quản trị đại học (QTĐH) gần đây đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước. Hiện nay mô hình QTĐH ở các nước có hệ thống giáo dục đại học phát triển (châu Âu, Mỹ, Úc) – mô hình mà chúng ta đang cố gắng học hỏi có cấu trúc như sau (2):

– Cơ cấu tổ chức nội bộ nhà trường: Có ba tổ chức chính gồm Ban Giám hiệu (BGH), Hội đồng Khoa học (HĐKH) và Hội đồng trường (HĐT). Ngoài ra, còn có các Hội đồng tư vấn, các tổ chức đoàn, hội. BGH có chức năng điều hành, quản lý, và vận hành toàn bộ hoạt động của trường đại học. Trong quá trình này, BGH được hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề học thuật bởi HĐKH, và các ủy ban tư vấn về các vấn đề khác nhau. Toàn bộ hoạt động của BGH được giám sát bởi tổ chức quản trị là HĐT. HĐT về cơ bản có nhiệm vụ ra quyết sách và quyết định phê chuẩn sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn chiến lược, kế hoạch dài hạn và kế hoạch hoạt động năm, giám sát hệ thống đảm bảo chất lượng…(3).

Hình: Mô hình hệ thống quản trị đại học ở phương Tây.

– Ngoài phạm vi nhà trường: Cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) phải báo cáo với nhà nước, cụ thể HĐT có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước được giao phụ trách, quản lý GDĐH. Tuy nhiên thông thường cơ chế kiểm soát chất lượng và trách nhiệm giải trình được thực hiện qua một tổ chức đệm, thường là cơ quan đảm bảo chất lượng và/hoặc đơn vị kiểm định chất lượng.

Sở dĩ mô hình quản trị được thiết kế nhiều tầng lớp với sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nhà trường như vậy là để tạo cơ chế cho phép sự giám sát lẫn nhau giữa các bên.

Tại Việt Nam, trước đây công tác QTĐH vẫn theo cơ chế cơ quan chủ quản đối với các CSGDĐH công lập. Đến năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, quyền tự chủ của các CSGDĐH mới được thể chế hóa bằng Luật Giáo dục đại học, nhằm đổi mới mô hình quản lý giáo dục đại học theo mô hình doanh nghiệp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nền giáo dục nói chung và QTĐH nói riêng, đây cũng là xu thế đã áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua việc áp dụng mô hình quản trị theo Luật Giáo dục đại học chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Thực tế, quá trình đổi mới và phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước với cách làm việc chậm, quan liêu, khó tạo sự phát triển nhanh chóng và toàn diện. Việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế cùng xu thế cổ phần hóa công ty đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước thay đổi. Các trường đại học cũng không nằm ngoài quy luật này (1).

Việc hiện thực hóa tính tự chủ một số trường đại học, đồng thời thí điểm mô hình trường đại học dựa trên mô hình doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển toàn diện của các trường đại học tại Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung.

Tài liệu tham khảo:

(1)    Trịnh Thùy Anh, Bùi Quang Hùng, Nguyễn Phạm Kiến Minh (2021), Tổng quan về quản trị đại học trên thế giới và ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, (7).

(2)    Uyên Nguyên (2020), Thiết kế hệ thống quản trị đại học ở Việt Nam: Mô hình nào cho tự chủ, Tia Sáng – Ấn phẩm báo khoa học và phát triển.

(3)    Huisman, J. (2006), Conduct of governing bodies, Paper presented at the Governing bodies of higher education institutions: Roles and responsibilities, Paris.

Phòng Quản lý chất lượng tổng hợp