Lược khảo các nghiên cứu liên quan đến đảm bảo chất lượng trong dạy học trực tuyến theo APQN và APEC

(Thời gian cập nhật: 21:19 31/08/2021)

I. Tổng quát về kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến

Đại dịch COVID – 19 năm 2020 đã khiến các cơ sở giáo dục chuyển từ hình thức dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến được xem là giải pháp mang tính chiến lược trong giáo dục đại học trên toàn thế giới và trở thành phương tiện chính để thích ứng với môi trường mới. Dạy học trực tuyến được tiến hành nhanh chóng dưới áp lực lớn, vì thế, việc ban hành các quy định để kiểm soát các vấn đề, hỗ trợ các hoạt động đào tạo và người học trong giai đoạn này là một vấn đề mang tính cấp bách.

Những câu hỏi được đặt ra là: việc xây dựng các nội dung liên quan đến nội bảo đảm chất lượng (IQA) và ngoại bảo đảm chất lượng (EQA) có kiểm soát được các hoạt động dạy trực tuyến và phát triển các nội dung này thành các điều khoản trong quy định tương lai một cách hiệu quả và đáng tin cậy? Đặc tính của chương trình học trực tuyến là gì và chuẩn đầu ra của sự đào tạo này là gì?

Kết quả của “Khảo sát APQN về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới cơ sở giáo dục đại học” được thực hiện từ tháng 3 tới tháng 5 năm 2020 chỉ ra rằng, 68% những người phản hồi không hài lòng với việc dạy trực tuyến, trong khi đó “Khảo sát APQN về sự hiệu quả của dạy học trực tuyến” được thực hiện vào tháng 7 năm 2020 chỉ ra rằng 34% người phản hồi cho rằng dạy trực tuyến không hiệu quả. Diễn đàn APQN lần thứ 8 với chủ đề “Ảnh hưởng của COVID-19 tới kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học” được tổ chức ngày 28 tháng 7 năm 2020 do tổ chức APQN thực hiện. Mục đích của tổ chức này là hỗ trợ các trường tìm ra giải pháp tối ưu cho quá trình đào tạo mà dịch COVID-19 đặt ra đối với giáo dục đại học. (APQN, 2021).

Trước đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM áp dụng việc dạy học trực tuyến với quy mô toàn trường, vì vậy nhà trường còn gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, đặc biệt đối với những học phần cần nhiều thực hành. Tuy nhiên nhà trường đã xác định việc dạy học trực tuyến cần phải được áp dụng lâu dài vì diễn biến phức tạp của đại dịch. Vì vậy nhà trường xác định dạy học trực tuyến không thể được thực hiện đơn giản tạm thời để ứng phó với đại dịch trong một học kỳ mà cần áp dụng một bộ tiêu chuẩn chất lượng dạy học trực tuyến để hoàn thiện và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, đảm bảo người học vẫn đáp ứng đủ chuẩn đầu ra. Nội dung dưới đây cung cấp  những thông tin cơ bản của tiêu chuẩn APQN của kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến, từ đó nhà trường có thể tham khảo để hoàn thiện chương trình học và phương pháp dạy học trực tuyến.

II. Nội dung
1. Mục đích của tiêu chuẩn chất lượng
Tiêu chuẩn APQN cho kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến nhằm cung cấp công cụ đo lường bảo đảm chất lượng cho việc dạy trực tuyến, phục vụ nhu cầu dạy học trực tuyến tại cơ sở giáo dục. Mục đích của dự án này:
a) Phát triển thang đo chất lượng cho việc dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục.
b) Phát triển kế hoạch PDCI (Plan-Do-Check-Improvement) để duy trì tiêu chuẩn chất lượng cho việc dạy trực tuyến tại các cơ sở giáo dục.
c) Phát triển kế hoạch hành động hiệu quả và linh hoạt để thực hiện dạy học trực tuyến đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
2. Nguyên tắc của tiêu chuẩn chất lượng
Theo nghiên cứu có tên “Tiêu chuẩn APQN của kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến” (2021), tiêu chuẩn chất lượng cho kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến dựa trên 5 nguyên tắc sau:

Một là, nguyên tắc thông tin: nhấn mạnh sự phát triển của hình thức dạy học mới như dạy trực tuyến và dạy tích hợp, nội dung dạy học có liên kết chặt chẽ với xu hướng công nghệ thông tin và truyền thông, và việc dạy học trở nên phù hợp hơn với nhu cầu của người học và đặc điểm của người học thế hệ mới.
Hai là, nguyên tắc “Dạy bằng cách học”: Tiêu chuẩn đánh giá dạy học trực tuyến tập trung từ hành vi người dạy tới hành vi người học, và mấu chốt là học, bởi mục tiêu cuối cùng của việc dạy là phục vụ việc học.
Ba là, nguyên tắc phát triển: tập trung vào sự phát triển tương lai của người dạy và người học: (1) nắm xu hướng phát triển của giá trị dạy học, (2) tập trung vào sự khai thác tiềm năng dạy học của người dạy và khai thác động lực tương lai của người học cho sự phát triển bền vững, (3) đánh giá viên nên nỗ lực cập nhật tư tưởng dạy học, đưa ra phương tiện đánh giá học tập hiệu quả.
Bốn là, nguyên tắc hiệu lực: (1) Hiệu lực khách quan: sự phân biệt giữa mục đích đánh giá và tư tưởng giáo dục, (2) Hiệu lực nội dung: sự hợp lý của nội dung được đánh giá, (3) Hiệu lực chéo: sự nhất quán giữa kiểm tra lẫn nhau và kiểm chứng của phương thức đánh giá khác nhau, (4) Hiệu lực chủ quan: sự chính xác và công bằng của kết quả đánh giá của chủ thế đánh giá tới đối tượng đánh giá, (5) Hiệu lực quá trình: tính hiệu quả trong quy trình thu thập thông tin và dữ liệu.
Năm là, nguyên tắc khách quan: Kết quả đánh giá nên tương thích với thực tế khách quan, tôn trọng thực tế khách quan, đưa ra kết luận đúng dựa vào bằng chứng.

3. Các phạm vi chất lượng
Các phạm vi chất lượng là các lĩnh vực mà những kiểm định chất lượng viên có thể tiếp cận. Theo nghiên cứu “Kiểm định chất lượng APEC của học trực tuyến” (2017) của trường đại học Melbourne, những phạm vi chất lượng không phân cấp và đều quan trọng.
Nội dung cụ thể như sau:

Một là, sự lãnh đạo và quản lý: Sự lãnh đạo và quản lý hỗ trợ tích cực việc đánh giá chất lượng giáo dục trực tuyến và tích hợp bằng cách phát triển kế hoạch, tạo ra chỉ số biểu hiện (performance indicators) và bằng cách ảnh hưởng văn hóa chất lượng (culture of quality) trong cơ sở.
Hai là, người dạy và sự phát triển chuyên môn: Người dạy được bao gồm trong việc dạy, quản lý và hỗ trợ việc dạy học trực tuyến và tích hợp có bằng cấp, kiến thức và kĩ năng cần thiết để hỗ trợ người học đạt chuẩn đầu ra.
Ba là, nhận xét và cải tiến: Dữ liệu thực hiện và nhận xét từ các bên liên quan, bao gồm người học được đưa vào nhận xét.
Bốn là, nguồn: Hệ thống số và kỹ thuật giúp phát triển nguồn cung cấp giáo dục trực tuyến (dễ tiếp cận, đáng tin cậy và thích hợp cho tất cả người học bất kể khu vực nào).
Năm là, thông tin người học và sự hỗ trợ: Cơ chế xác định người học những người yêu cầu sự hỗ trợ thêm về kỹ thuật, đào tạo và cá nhân cần được xem xét và vận hành. Thông tin rõ ràng về việc học trực tuyến phải đáng tin cậy, dễ tiếp cận và được cập nhật thường xuyên cho cả người đang học và sắp học.
Sáu là, sự trải nghiệm của người học: Mỗi người học đều có cơ hội tương tác với người dạy và những người học khác. Góp ý về trải nghiệm của người học nên được thực hiện suốt quá trình điều khiển.
Bảy là, thiết kế chương trình: Thiết kế chương trình được dựa trên nguyên tắc giáo dục và cung cấp nội dung học phong phú để phát triển kiến thức và kỹ năng tương ứng với chuẩn đầu ra.
Tám là, sự kiểm tra đánh giá: Một loạt chính sách và kỹ thuật đảm bảo rằng những bài đánh giá cho người học học trực tuyến được thảo luận rõ ràng, tiết chế hợp lý, tạo điều kiện cho người học hoàn thành chuẩn đầu ra.
Chín là, chuẩn đầu ra: Chuẩn đầu ra cho người học trong học tập trực tuyến tương đương với chế độ học trực tiếp với cùng trình độ, và được đánh giá với sự chính xác.

III. Kết luận
Để tạo ra hệ thống kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến thành công, các cơ sở giáo dục có thể tích hợp thang tiêu chuẩn vào quá trình kiểm định chất lượng để phát triển chất lượng dạy học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục cần kiểm soát các nội dung liên quan đến phát triển chất lượng dạy học trực tuyến./.

Tài liệu tham khảo
[1] Zhang, J., Huang, P., Xiang Z., Yang Y., Motova G., Liu P., Patil J., Bandara D., Nurmanbetova F., Yong B.A. (2021). Tiêu chuẩn APQN cho kiểm định chất lượng dạy học trực tuyến. www.apqn.org.
[2] Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học Đại học Melbourne. (2017). Công cụ kiểm định chất lượng cho dạy học trực tuyến.

Phòng Quản lý chất lượng