Thiết kế và rà soát chương trình dạy học

(Thời gian cập nhật: 10:09 07/10/2021)

Thuật ngữ chương trình giáo dục/đào tạo (Curriculum) xuất hiện lần đầu tiên trong ấn bản phẩm vào năm 1918 với tư cách là một thuật ngữ khoa học (J.F.Bobbit, 1918). Chương trình giáo dục/đào tạo có nguồn gốc từ tiếng Latin, có nghĩa là “currere”, hoặc “to race” hoặc “the course of a race” (triển khai, thực thi các khóa học). Thuật ngữ Curriculum trong tiếng Anh đã được nhiều nhà nghiên cứu giáo dục dịch sang tiếng Việt với ngữ nghĩa là chương trình dạy học, chương trình đào tạo, chương trình giáo dục, chương trình học, v.v…thậm chí chỉ gọi là chương trình (4).

Nhiều tác giả đã đưa ra các quan niệm khác nhau về Curriculum, nhưng nhìn chung các quan niệm dù đứng trên góc độ nào cũng đều nhấn mạnh ý nghĩa của thuật ngữ Curriculum ở những mức độ khác nhau; việc quan niệm thế nào không phải đơn thuần là vấn đề định nghĩa mà còn thể hiện rõ quan điểm của mỗi tác giả về chương trình. Tuy khác nhau về quan điểm, nhưng tựu trung, các nhà nghiên cứu giáo dục đều thống nhất luận điểm: chương trình giáo dục/đào tạo là một tổ hợp các khóa học được thiết kế logic chặt chẽ hướng đến những mục tiêu đã định trước; là một hệ thống các quá trình khoa học để triển khai các khóa học; là một sản phẩm của một đơn vị đào tạo có tính kế thừa và phát triển liên tục (1)(3).

Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục đại học, việc thiết kế và rà soát chương trình dạy học là quá trình liên tục nhằm hoàn thiện chương trình dạy học, bởi vì đây là yếu tố tiên quyết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; là yêu cầu bắt buộc đối với các trường Đại học trên cả nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng, trong đó có Trường Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh. Nhận thức vai trò quan trọng của chương trình dạy học đối với các mục tiêu đào tạo đề ra, nhà trường luôn đặc biệt quan tâm tới hoạt động thiết kế và rà soát chương trình dạy học. Hiện nay, quy trình thiết kế và rà soát chương trình dạy học tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh gồm 08 bước như sau (2):

  • Bước 1: Thành lập nhóm biên soạn chương trình dạy học

– Thành phần: bao gồm các chuyên gia, trưởng bộ môn, giảng viên,… về lĩnh vực của môn học.
– Nhiệm vụ: Triển khai phân tích nhu cầu môn học; Nghiên cứu kỹ chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, ma trận đối ứng chuẩn đầu ra với môn học; Tham khảo chương trình môn học của một số trường trong nước và nước ngoài; Trao đổi ý kiến chuyên gia; Lập kế hoạch tổng thể triển khai xây dựng chương trình.

  • Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan

Nhóm biên soạn lấy ý kiến của các chuyên gia, giảng viên, sinh viên,… nhằm thống nhất về mục đích, mục tiêu, nội dung môn học, cấu trúc chương trình môn học, kế hoạch thời gian, cách thức triển khai, các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện,…

  • Bước 3: Xây dựng bản dự thảo chương trình dạy học

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, nhóm biên soạn xây dựng bản dự thảo chương trình dạy học.

  • Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến về bản dự thảo chương trình dạy học

Nhóm biên soạn tổng hợp của các chuyên gia, giảng viên, sinh viên,… để chỉnh sửa bổ sung cho bản dự thảo.

  • Bước 5: Hoàn thiện chương trình dạy học

Nhóm biên soạn chương trình hoàn tất bản chính thức chương trình dạy học, cùng các hồ sơ liên quan cần thiết trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt.

  • Bước 6: Thẩm định và ban hành chương trình dạy học

Trưởng khoa (hoặc Trưởng bộ môn trực thuộc) đề nghị chương trình dạy học đã được hoàn chỉnh lên cấp trường để thẩm định và Hiệu trưởng ra quyết định ban hành.

  • Bước 7: Đưa chương trình dạy học vào giảng dạy

Sau khi chương trình được ban hành, giảng viên môn học triển khai thực thi chương trình, truyền tải chương trình tới người học.

  • Bước 8: Rà soát chương trình dạy học

Định kỳ 02 năm/1 lần, nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện chương trình dạy học (bao gồm cả xây dựng chương trình mới và cải tiến chương trình đã có).

Trong tương lai, hoạt động này cần được nhà trường duy trì và đẩy mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của người học thay đổi theo sự phát triển của xã hội nói chung, yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động nói riêng và đồng thời đảm bảo cam kết của nhà trường về chất lượng sản phẩm đào tạo theo yêu cầu xã hội.

Phòng Quản lý chất lượng

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đức Chính (2011), Bài giảng Phát triển chương trình đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Hà Nội.
  2. Trần Hữu Hoan (2011), Bài giảng Phát triển chương trình giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Hà Nội.
  3. Trần Thị Hoài (2020), Bài giảng Phát triển chương trình và tổ chức quá đào tạo đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Allan C. Ornstein and Francis P. Hunkins (1998), Curriculum: Foundations, Principles, and Issues, Allyn and Bacon.