Tọa đàm khoa học “Mô hình văn hóa học đường Đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập”

(Thời gian cập nhật: 09:46 22/09/2021)

Ngày 17/9/2021, đại diện Phòng Quản lý chất lượng tham dự tọa đàm khoa học “Mô hình văn hóa học đường Đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập” do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức bằng hình thức online.

Việc xây dựng văn hóa đường đại học từ lâu đã trở thành một trong những mối quan tâm của các trường đại học trong và ngoài nước với mục đích quan trọng nhằm hướng đến việc xây dựng trường đại học phát triển toàn diện và tổng thể. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đến từ nhiều trường đại học trong nước.

Tọa đàm được chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất gồm 3 tham luận chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa học đường đại học tại Đại học Nha Trang, Đại học Quốc tế Miền Đông và Đại học Trà Vinh có tiêu đề: (1) Phát triển môi trường học thuật hướng đến Giáo dục 4.0; (2) Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập: góc nhìn từ Đại học Quốc tế Miền Đông; (3) Một số nét văn hóa học đường tại Trường Đại học Trà Vinh nhìn từ góc độ tác động của lãnh đạo. Và 1 bài tham luận giới thiệu về khung mô hình văn hóa học đường có tên: (4) Xây dựng khung mô hình văn hóa học đường đại học Việt Nam,

Tại phiên thứ hai của buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về khung mô hình văn hóa học đường đại học Việt Nam đề xuất, đặc biệt là vai trò của tầm nhìn, triết lý giáo dục, sứ mệnh, giá trị cốt lõi.. trong việc xây dựng văn hóa học đường đại học.

Nhóm nghiên cứu (do GS.TS Võ Văn Sen chủ trì) trình bày đề xuất khung mô hình văn hóa học đường Đại học Việt Nam

Ngoài ra, Tọa đàm cũng dành thời gian chia sẻ về vai trò của văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách người học; thực trạng và giải pháp trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; việc áp dụng nguyên lý 4 M trong học tập (học mọi lúc, học từ mọi người, học ở mọi nơi, học bằng mọi cách)…

Những thông tin, kinh nghiệm, cách làm hay về xây dựng văn hóa học đường được chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là cơ sở hữu ích giúp các nhà văn hóa, quản lý giáo dục trong quá trình thúc đẩy xây dựng và ban hành các chính sách về giáo dục nói chung, văn hóa học đường đại học nói riêng.

Phòng Quản lý chất lượng